Ban Tổ chức Giải thưởng Băng rộng thế giới (Broadband Infovision Awards) vừa công bố danh sách 44 lượt thương hiệu lọt vào vòng chung kết tranh 10 hạng mục giải thưởng của Broadband Infovision Awards 2011. Trong đó, VNPT là một trong 3 ứng cử viên của hạng mục giải thưởng Băng rộng làm thay đổi cuộc sống (Broadband Changes Our Lives).
Năm nay, Broadband Infovision Award là tâm điểm của Diễn đàn Băng rộng quốc tế (Broadband World Forum) lần thứ 11 sẽ được tổ chức từ ngày 27-29/9/2011 tại Paris, Pháp, với sự tham gia của 300 diễn giả từ hơn 150 doanh nghiệp viễn thông hàng đầu và thu hút hơn 10.000 người quan tâm từ hơn 100 nước trên thế giới. Diễn đàn băng rộng thế giới là một trong những sự kiện uy tín nhất của ngành VT-CNTT, nơi hội tụ các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu trên thế giới để cùng chia sẻ và định hướng các dịch vụ băng rộng trong tương lai, thảo luận về các ứng dụng, giải pháp và dịch vụ.
VNPT tham gia tranh giải tại hạng mục Băng rộng làm thay đổi cuộc sống với giải pháp phổ cập, đưa Internet băng rộng về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn thông qua các điểm BĐ-VH xã. Trong tổng số hơn 8.000 điểm BĐ-VH xã trên cả nước, VNPT đã đầu tư lắp đặt máy tính nối mạng Internet tốc độ cao cho 2.353 điểm, tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn được truy cập Internet để tiếp cận với thông tin, tri thức kinh tế, khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn.
Thời gian qua, VNPT còn tích cực hợp tác với ngành Giáo dục, Y tế, Hội Nông dân và gần đây nhất là hợp tác với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhằm đưa Internet về 62 huyện nghèo nhất nước. Bên cạnh đó, VNPT còn triển khai các hoạt động cộng đồng góp phần phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, tiêu biểu như các chương trình “Một triệu giờ đồng hành”, “Tuổi trẻ VNPT nối mạng tri thức”… nhằm phổ cập tin học đơn giản, hướng dẫn cho người dân cách truy cập Internet để tìm kiếm thông tin.
Với nhiều nỗ lực, những năm qua hạ tầng và dịch vụ băng rộng của VNPT (chiếm 75% thị phần) đã và đang thực sự làm thay đổi cuộc sống, thói quen của người dân từ thành thị đến nông thôn Việt Nam trong tiếp cận Internet và nền kinh tế trí thức, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền KT-XH Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực viễn thông nói riêng.
X.Lương
(Theo website Nguyễn Thanh Phượng)