Làm sao để sinh viên hạn chế tình trạng "viêm màng túi", "cháy túi"? Làm sao không bị động trước những tình huống khẩn cấp cần đến tiền? Đâu là bí quyết quản lý tài chính cá nhân cho người trẻ?
Đó là những thắc mắc của nhiều sinh viên khi dự hội thảo "IQ tài chính - cùng bạn hoạch định tương lai" tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sáng 12-5.
Làm người chi tiêu thông minh
Chương trình có sự tham gia của hoa hậu Hương Giang, tiến sĩ Trịnh Quốc Trung - giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, tiến sĩ Nguyễn Thắng - tổng giám đốc Tập đoàn Herbalife Việt Nam.
Trước những thắc mắc về tình trạng thường xuyên "cháy túi" của các bạn sinh viên, tiến sĩ Trịnh Quốc Trung kể câu chuyện của mình: "Trong 20 năm qua tôi thường xuyên kiểm soát chi tiêu, nhờ vậy tôi chủ động trong tài chính, biết được đồng tiền của mình sử dụng hữu ích hay không".
Hoa hậu Hương Giang nêu một kinh nghiệm thời sinh viên: "Hằng tháng khi nhận tiền sinh hoạt từ gia đình, tôi lên ngay kế hoạch sử dụng: trích ngay 10% cho quỹ khẩn cấp như bệnh, hỏng xe...; quỹ chi tiêu bắt buộc như nhà ở, ăn uống, học hành và cuối cùng là khoản dành cho giải trí".
Sống và học hành ở nước ngoài gần 10 năm, ông Nguyễn Hoài Nam thấm thía sự cơ cực nơi đất khách: "Hằng tháng cứ đến ngày 10, sau khi trả tiền nhà, tiền học là tôi "cháy túi". Vì thế, tôi làm thêm đủ việc như giao bánh pizza, lau dọn siêu thị… và tối giản các chi phí bằng cách bỏ hút thuốc, ít đi chơi, ít đi nghe nhạc…".
Tiến sĩ Nguyễn Thắng mở rộng đến việc kiểm soát thời gian: "Phần lớn người kiểm soát thời gian tốt là những người kiểm soát tài chính tốt. Thời gian kiếm ra tiền chứ tiền không thể mua được thời gian. Các bạn cũng cần đưa vào não mình "khẩu hiệu" việc cần chi chắc chắn phải chi, việc không cần thì một đồng cũng không chi".
Hành động từ bây giờ
Chương trình sẽ diễn ra tại ĐH Ngân hàng TP.HCM vào ngày 20-5, ĐH Văn hóa TP.HCM ngày 24-5.
Các diễn giả gồm: ông Don Lâm - tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, ông Hoàng Mạnh Thắng - chủ nhiệm cao cấp Ernst & Young Việt Nam, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên và tiến sĩ Trần Thanh Nam - phó tổng giám đốc Ngân hàng Maritime.
Nguyễn Khắc Trung - sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - thắc mắc sinh viên vừa ra trường, bắt đầu đi làm, nên hoạch định tài chính thế nào.
Ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt - chia sẻ. "Tôi về nước và khởi nghiệp với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng ở một công ty nhà nước. Cái tôi nhìn thấy ở nơi đó không phải là lương thấp mà là các cơ hội học hỏi và phát triển nhanh nhất. Và tám năm sau tôi ở đây!".
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thắng khuyên các bạn trẻ: "Đừng bị hấp dẫn bởi những công việc có thu nhập cao ngắn hạn. Các bạn cần tính toán vì có những công việc mang lại nguồn thu nhập hôm nay thấp nhưng sẽ rất cao và ổn định trong tương lai".
Hoa hậu Hương Giang bật mí kinh nghiệm hoạch định tài chính cá nhân: "Nên xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn có thể là sáu tháng, một năm… đó chính là các bước đệm để tiến xa. Điều quan trọng nhất là phải lên kế hoạch từ bây giờ và thường xuyên thực hiện kế hoạch đó".
Hoa hậu Hương Giang - giám đốc Công ty GMC - người khởi xướng chuỗi hội thảo "IQ tài chính" tại các trường đại học - Ảnh: Thu Thảo |
"Để quản lý tài chính cá nhân tốt, bên cạnh việc tăng thu giảm chi, các bạn trẻ cần tăng cường bảo vệ các khoản thu nhập, giữ gìn tài sản và bản thân" - lời khuyên của tiến sĩ Trịnh Quốc Trung.
Chuỗi hội thảo "IQ tài chính" do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM và Công ty GMC phối hợp tổ chức.