Nho nhã, thư sinh, ông Lâm Thiếu Quân có dáng dấp của một nhà khoa học, nhà giáo hơn là tổng giám đốc một công ty mẹ có 12 công ty con chuyên về công nghệ với nhiều dự án lớn, ứng dụng những công nghệ mới…
Với quyền ưu tiên được chọn nhiệm sở, ông đã chọn công trình xây dựng Cảng Bến Nghé, một công trình trọng điểm của TP.HCM lúc bấy giờ, điều hành bởi một đơn vị năng động, vận dụng nhiều mô hình quản lý mới trong thời kỳ đầu đất nước mở cửa, làm nơi bắt đầu sự nghiệp của mình.
Được làm việc đúng với chuyên môn, môi trường làm việc lý tưởng, thế nhưng, sau 6 năm, ông quyết định rời cơ quan, tự mình khai phá con đường riêng. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ thời điểm ấy.
Được biết, vào những năm đầu của thập niên 1990, thu nhập của cán bộ làm việc tại Cảng Bến Nghé không thấp, công việc lại phù hợp với chuyên môn, điều kiện thăng tiến cũng không thiếu, vậy sao ông lại ra đi?
Tôi được tham gia Ban quản lý công trình xây dựng Cảng Bến Nghé ngay từ những ngày đầu (san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng…) và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu về thi công, quản lý công trình xây dựng.
Với mong muốn trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về quản trị doanh nghiệp, tôi đã đăng ký học đại học văn bằng 2 ngành ngoại thương tại Đại học Kinh tế TP.HCM. Đây là khóa học đầu tiên Trường mở ra cho những người đã tốt nghiệp đại học về kỹ thuật, chương trình được xây dựng rất tiên tiến, sát với nhu cầu thực tiễn. Tôi gần như áp dụng được ngay những kiến thức vừa học vào công việc hằng ngày.
Những năm đó đất nước vừa mở cửa, rất ít người có kinh nghiệm về giao thương quốc tế, về quản trị doanh nghiệp theo mô hình chuẩn của thế giới. Tại Cảng Bến Nghé, tôi có điều kiện tiếp xúc và làm việc với nhiều đối tác nước ngoài, trong đó có nhiều công ty mang tầm quốc tế. Tôi rất ấn tượng về phong cách làm việc chuyên nghiệp của họ.
Giống như người thuyền trưởng luôn muốn tìm tới những bờ bến lạ, tôi cũng muốn được thử sức ở môi trường mới để có thể học hỏi được nhiều hơn, đặc biệt là sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày…
Năm 1992, tôi quyết định xin thôi việc tại Cảng Bến Nghé, về làm nhân viên Công ty TNHH INTRACO, một công ty thương mại của Chính phủ Singapore.
Cũng cần nói thêm về cách thức thâm nhập thị trường Việt Nam của Singapore lúc ấy. Họ thường đưa những công ty, tập đoàn nhà nước có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong việc khai phá thị trường mới vào Việt Nam thăm dò và đặt nền móng giao thương thật vững chắc và ổn định, sau đó lần lượt các doanh nghiệp ở từng lĩnh vực sẽ vào sau, tận dụng những ưu thế đã được thiết lập từ ban đầu. INTRACO cũng giữ vai trò “mở đường” như vậy.
Làm việc trong môi trường quốc tế, ông học hỏi được những gì?
Đó là phong cách làm việc chuyên nghiệp, đề cao trách nhiệm cá nhân trong từng việc cụ thể, sự đánh giá công bằng dựa trên khả năng và hiệu quả công việc, cách tổ chức và điều hành bộ máy quản lý một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực…
Về làm việc với INTRACO, tôi được sang Singapore nhiều lần. Tới nước bạn lần đầu, điều làm tôi “choáng ngợp” không phải là rất nhiều nhà cao tầng, xa lộ thẳng tắp, siêu thị rộng mênh mông đầy ắp hàng hóa…, mà chính là cách thức quản lý đô thị thật thông minh và hợp lý, từ quy hoạch xây dựng cho đến điều tiết giao thông, điện, nước, công viên…, tất cả đều tạo nên sự thoải mái cho người dân.
Hệ thống quản lý thông minh tác động tích cực đến hành vi của từng người, hình thành trong họ ý thức tự giác vì cộng đồng, bảo vệ và xây dựng môi trường sống ngày càng tốt hơn, trong lành hơn.
Từ ngày đó, trong tôi đã manh nha hình thành ý tưởng đem những công nghệ tiên tiến này về ứng dụng trong quản lý đô thị tại Việt Nam, giúp đất nước ta nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu và đuổi kịp các nước trong khu vực trong thời gian ngắn. Tôi từng nghĩ, đây chỉ đơn giản là giải bài toán về kỹ thuật, chắc cũng không khó lắm, nhưng thực tế lại không phải vậy.
Đang có việc làm ổn định với thu nhập cao, môi trường làm việc tốt, sao ông lại “rẽ ngang” để một lần nữa phải làm lại từ đầu?
Trong vai trò một người làm thuê, tôi không thể triển khai những ý tưởng riêng của mình. Vì vậy, khi nhận được lời mời về làm việc tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ tin học và điều khiển CATIC của nhóm các giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM, với mục tiêu ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống, tôi đồng ý ngay, dù thu nhập rất khiêm tốn và tương lai thì mờ mịt.
Ông làm thế nào để bù đắp được khoản thu nhập thiếu hụt khi ấy? Có phương án dự phòng nếu thất bại hay không?
Lúc đó tôi kêu gọi sự chia sẻ của “hậu phương lớn” là vợ tôi. Tôi cậy nhờ vợ chèo chống lo kinh tế gia đình trong hai năm để tôi thử sức, nếu thất bại thì tôi lại tiếp tục đi làm thuê cho các công ty nước ngoài. Với kiến thức, kinh nghiệm và quan hệ bấy lâu nay, tôi tin chắc không khó tìm việc. Rất may là vợ tôi đã hết lòng ủng hộ nên tôi mới có được ngày hôm nay.
CATIC hoạt động ở những lĩnh vực nào, thưa ông?
Chúng tôi không đi theo hướng phát minh lại những thứ thế giới đã có, mà tìm cách ứng dụng các phát minh ấy vào Việt Nam một cách hiệu quả nhất. làm được như thế đã là thành công.
Theo hướng ấy, CATIC đã thành công dù khá vất vả. Doanh thu năm đầu tiên của chúng tôi (1996) là 600 triệu đồng với số vốn chỉ khoảng trên dưới 100 triệu đồng.
Năm 1996, tôi cùng CATIC thành lập và điều hành Công ty Kỹ thuật điện Toàn Cầu chuyên kinh doanh các thiết bị chống sét trực tiếp, chống sét lan truyền và nối đất; thiết bị lưu điện; hệ thống điều hòa không khí chính xác…
Từ năm 2004, Toàn Cầu sản xuất các thiết bị chống sét trên đường nguồn, đường tín hiệu, đường viễn thông, mạng máy tính với chất lượng tương đương các thiết bị ngoại nhập và giá thành hợp lý. Năm 2009, Toàn Cầu đã niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội.
Rồi lần lượt một loạt công ty hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau ra đời, như: Công ty Thạch Anh kinh doanh các thiết bị cơ điện; Công ty Tân Tiến phân phối thiết bị điện tự động, bảng tủ điện, đo lường và phân tích; Công ty Siêu Tính cung cấp các giải pháp tin học tổng thể, bao gồm phần cứng, phần mềm; Công ty Tín Thông về viễn thông; Công ty Phần mềm Tiên Phong; Công ty Thiên Vận; Công ty Định vị Tiên Phong…
Các công ty này đều kinh doanh ổn định, tăng trưởng nhanh. Sau đó, do những yêu cầu bức thiết về quản trị, điều hành chung của các công ty, năm 1999, Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) được thành lập với tư cách là công ty mẹ của 12 công ty con, do tôi làm tổng giám đốc từ đó đến nay.
Ông đã áp dụng mô hình kinh tế tập đoàn gồm công ty mẹ và các công ty con từ rất sớm, một mô hình mà hiện nay nhiều công ty nhà nước và tư nhân đang hướng tới, dù vẫn còn nhiều vấp váp khi triển khai, thậm chí là phạm sai lầm nghiêm trọng trong quản lý. Theo ông, đâu là mấu chốt khiến mô hình kinh doanh này có hiệu quả, chứ không đơn thuần là làm một phép tính cộng nhiều công ty lại?
Điều quan trọng nhất là phải xác định được đâu là lĩnh vực cốt lõi, là thế mạnh của hệ thống. Đối với Tiên Phong vẫn là ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất vào mọi lĩnh vực của đời sống.
Cũng có lúc cổ đông thắc mắc tại sao Tiên Phong không “lấn sân” vào những lĩnh vực hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao như địa ốc hay chứng khoán…, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì với mục tiêu ban đầu và thực tế đã chứng minh đó là lựa chọn đúng đắn.
Về tổ chức vận hành bộ máy, công ty mẹ quản lý về vốn, về chính sách tài chính, chế độ chung cho người lao động, tổ chức bộ máy quản trị chung, giữ vai trò định hướng chiến lược hoạt động của các công ty con trong một chỉnh thể thống nhất.
Các công ty con hoạt động độc lập, tự chủ trong kinh doanh. Công ty mẹ vẫn tham gia các dự án lớn, chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp tích hợp và dịch vụ quản lý, triển khai dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước.
Nguồn nhân lực cho lĩnh vực kỹ thuật công nghệ ở Việt Nam vừa thiếu lại vừa yếu, Công ty Tiên Phong làm thế nào để giữ được sự ổn định về nhân sự và tuyển dụng được người tài?
Nguồn cung của chúng tôi vẫn là sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin… của các trường đại học trong nước.
Sinh viên của ta hiện nay trình độ ngoại ngữ đã được cải thiện khá hơn trước nhiều, có tư duy sáng tạo, cái thiếu là những kỹ năng mềm, như: khả năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, toàn tâm, toàn ý, tận tụy với công việc. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên mở những lớp đào tạo kỹ năng mềm cho họ.
Để quyền lợi của nhân viên gắn bó lâu dài với quyền lợi của công ty, chúng tôi nhượng lại cổ phần cho nhân viên. Tiên Phong tiến hành cổ phần hóa khá sớm, vào năm 2006, và từ đó đến nay, người lao động ngày càng gắn kết chặt chẽ với Công ty.
Sau gần 20 năm lăn lộn trên thương trường, cùng bạn bè thân thiết tạo nên một cơ đồ lớn với điểm xuất phát gần như chỉ là kiến thức, ông tâm đắc nhất điều gì và phương châm sống của ông là gì?
Tôi nghĩ những việc tôi làm ai cũng có thể làm được nếu cố gắng hết mình và biết đặt ra những mục tiêu để theo đuổi đến cùng. Tất nhiên là những mục tiêu ấy đừng quá cao siêu, không thể thực hiện được trong giới hạn của một đời người.
Có một điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ là không hề có đường tắt cho sự thành công, không thể nóng vội, đốt cháy giai đoạn để tiến nhanh đến đích, vì khi ấy cái giá phải trả là không nhỏ, chưa kể, có thể không còn thời gian để làm lại từ đầu.
Phương châm sống của tôi là cố gắng trở thành một người thành công, mang lại hạnh phúc cho gia đình, tạo cơ hội cho đồng nghiệp, đem lại niềm vui cho bạn bè và một ước ao lớn lao hơn là làm được điều gì đó cho sự tiến bộ của xã hội.
Có phải vì phương châm đó mà ông đã mạnh dạn tự mình ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa VIII?
Trong suốt chừng ấy năm nỗ lực hết mình để ứng dụng những phát minh khoa học, công nghệ tiên tiến nhất vào đời sống, góp phần cùng với các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết những bài toán khó, như: hệ thống mã vạch hai chiều trong khai báo thuế; trạm thu phí giao thông một dừng trên toàn quốc; cải tiến việc ghi số điện, nước từ thủ công sang dùng công cụ điện tử, vừa chính xác, vừa tiết kiệm được nhân lực…
Cái khó chúng tôi luôn gặp phải không phải là các bài toán kỹ thuật, mà là những nút thắt từ những quy định về pháp lý còn lạc hậu, không theo kịp sự phát triển rất nhanh của khoa học – công nghệ.
Tôi muốn được có mặt trong các cơ quan dân cử để cùng với các cơ quan nhà nước tìm biện pháp tháo gỡ những nút thắt đó. Ai cũng hiểu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến sẽ giúp tăng năng suất, hiệu quả lao động, và đó chính là cơ sở cho việc tăng thu nhập cho người lao động.
Ở phương diện quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ góp phần giảm thiểu những thủ tục rườm rà, tạo sự thoải mái cho người dân, tinh giảm được bộ máy, thu nhập của công chức từ đó cũng được cải thiện và những hiện tượng tiêu cực, như quan liêu, cửa quyền, hách dịch và tham nhũng sẽ dần được loại bỏ.
Tôi sẽ lắng nghe nguyện vọng của người dân để phản ánh với chính quyền, cùng chính quyền tìm kiếm những giải pháp đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân thông qua việc ứng dụng sáng tạo những công nghệ kỹ thuật mới vào quản lý nhà nước
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
PV
(Theo website Nguyễn Thanh Phượng)