Blogger Widgets

Tăng trưởng hợp lý và không gây bất ổn kinh tế vĩ mô

1 nhận xét
Trong hai ngày 30-31/7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2012, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng của năm 2012.
Một trong những trọng tâm được các thành viên Chính phủ thảo luận và cho ý kiến đó là thúc đẩy và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, song thực sự phải là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng nhưng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô cũng như không làm lạm phát cao trở lại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp.

Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến đúng hướng

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã tháng 7 và 7 tháng năm 2012, các thành viên Chính phủ cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội chung trong 7 tháng đầu năm chuyển biến tích cực, đúng hướng. Nổi bật là các giải pháp kiềm chế lạm và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả; chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh; kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra…
Cụ thể, về thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm và có chỉ số âm (-) trong 2 tháng qua. So với tháng trước, CPI tháng 6 giảm (-) 0,26%, tháng 7 giảm (-) 0,29%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 2,22% so với tháng 12/2011 và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của nhiều năm trước.
Thời gian qua, nhiều biện pháp đã được áp dụng nhằm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Các tổ chức tín dụng đã và đang tích cực rà soát, đánh giá dư nợ các khoản cho vay cũ để xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm kể từ ngày 15/7/2012. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12-16%/năm.
Thị trường ngoại hối tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực. Thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện. Nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào do xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu tăng chậm và nhu cầu đồng nội tệ đang mạnh lên nhờ việc giảm lãi suất. Tính chung 7 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 62,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 7 tháng khoảng 58 triệu USD, bằng 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đã dần phát huy tác dụng, kịp tháo gỡ khó khăn trước mắt về nguồn vốn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng tiêu thụ; tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tập trung đầu tư, sản xuất, hoặc cơ cấu lại và chuyển đổi mục đích sản xuất kinh doanh phù hợp.
Trong tháng 7/2012, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển tương đối ổn định. Hoạt động du lịch tiếp tục diễn ra sôi động, trong tháng 7, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 11,6% so với tháng trước… Bên cạnh đó, lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, văn hoá và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục có chuyển biến. Trong 7 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm cho trên 825.000 người, đạt 54,5% chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Những chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt trong thời gian qua là hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; trợ cấp xã hội; đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên, tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; chỉ số giá tiêu dùng giảm hai tháng liên tiếp và có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành; khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; sức mua của thị trường trong nước thấp; chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn để thúc đẩy sản xuất

Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước, các thành viên Chính phủ cho rằng, sản xuất công nghiệp đã và sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực; quá trình sàng lọc doanh nghiệp và chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh tiếp tục diễn ra theo hướng phù hợp hơn; cùng với đó là việc thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ… sẽ bảo đảm cho tăng trưởng ở mức hợp lý trong thời gian tới.
Đa số các thành viên Chính phủ kiến nghị cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thế mạnh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ… Tranh thủ cơ hội tăng xuất khẩu ở các thị trường tiềm năng và các thị trường đang có triển vọng phục hồi.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị tiếp tục tập trung mạnh vào xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nhất là thị trường xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu hàng nông, thủy sản cần hết sức quan tâm tới kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn đối với hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là đối với những thị trường khó tính nhằm tránh các thiệt hại kinh tế xảy ra. Đồng thời, các địa phương hết sức quan tâm đến công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới nhằm ngăn chặn việc nhập lậu thực phẩm bẩn, trái pháp luật, nhất là gia súc, gia cầm bị dịch bệnh.
Nêu rõ quan điểm cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng cần thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn việc hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện tốt các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Về vấn đề nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, tới thời điểm hiện tại, nợ xấu của ngân hàng khoảng 8,6%, đây là con số mà Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ cơ sở khách quan và khoa học để đưa ra. Hầu hết các khoản nợ xấu đều được bảo đảm bằng tài sản. Việc xử lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xử lý tích cực, khẩn trương với những giải pháp khả thi, đảm bảo được tính an toàn của toàn hệ thống ngân hàng. Nợ xấu cũng không phải là những khoản nợ mất trắng mà nên hiểu theo thuật ngữ quốc tế đó là những khoản nợ không sinh lời.
Về tái cấu trúc ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, hiện ngành ngân hàng đã và đang triển khai các nội dung liên quan đến tái cấu trúc và cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung về tái cấu trúc ngân hàng trước hết là các nội dung theo kế hoạch của năm 2012.
Nhận định bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, kinh tế còn khó khăn, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh đề nghị cần tiếp tục điều hành theo lạm phát mục tiêu, giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô; tăng tín dụng cho nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất… thực hiện mục tiêu kép là vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Đồng thời, quan tâm tổ chức lại các kênh thu mua, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông, thủy sản, tránh có quá nhiều các khâu trung gian, gây thiệt hại cho người sản xuất và người tiêu thụ cuối cùng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và một số thành viên Chính phủ đề xuất việc tăng cường các biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản để khơi thông dòng vốn, tăng tiêu thụ vật liệu xây dựng; đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội nhất là nhà công nhân, cho sinh viên, các hộ nghèo…
Dự và phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, thời gian qua công tác an sinh xã hội, cải cách hành chính được thực hiện sâu rộng và đạt kết quả tốt. Cùng với đó, công tác thông tin cũng được quan tâm với nhiều hình thức đa dạng được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề xuất cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản quốc gia; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước.

Thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Chiều hướng chung là sẽ tiếp tục có những chuyển biến tốt hơn, nhất là trong kiềm chế lạm, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, khó khăn, thách thức còn rất lớn, trong đó nổi lên là tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ và để đạt tăng trưởng từ 5,2-5,7% trong năm 2012 là hết sức khó khăn. Bình diện chung của doanh nghiệp là khó khăn, 90% vốn sản xuất, kinh doanh phải dựa vào ngân hàng; thu ngân sách đạt thấp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc thúc đẩy tăng trưởng phải đôi với kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Thúc đẩy và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý song phải là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng nhưng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô cũng như không làm lạm phát cao trở lại. Trên cơ sở đó, trong những tháng cuối năm 2012, các Bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình, tập trung khắc phục những khó khăn, thách thức hiện nay, quyết liệt hơn nữa trong việc bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra từ đầu năm; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, kiên định mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cho năm 2012 và những năm tiếp theo; từng bước thực hiện có kết quả tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đề cập những giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, đưa tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ lãi suất phải xác định rõ, ỗ trợ cho mặt hàng nào, lĩnh vực nào; phải đảm bảo được tính thiết thực, hiệu quả; không làm tràn lan, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước… phải được thực hiện quyết liệt.
Liên quan đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu bằng nhiều biện pháp đồng bộ gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra; công bố công khai nợ xấu, công khai danh sách các ngân hàng thương mại yếu kém; giữ vững sự ổn định tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo đúng lộ trình của Đề án đã được duyệt; thực hiện điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu và kích thích tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tài khoá hiệu quả, phối hợp chặt chẽ hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm cải thiện tổng cầu của nền kinh tế và đảm bảo lạm phát ở mức hợp lý. Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu để đảm bảo giữ mức bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tích cực, khẩn trương rà soát, cơ cấu lại lại doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề chính của doanh nghiệp. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn nhất là vốn ODA, vốn ngân sách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…Thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt lưu ý tới công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; quan tâm thoả đáng đến chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công. Tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra trong mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm một cách thường xuyên và liên tục. Quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với các vụ tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa các vụ khiếu kiện mới… Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2012.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận về dự thảo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; dự thảo Đề án phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp./.

Xem thêm →

Danh mục

 
Từ khoá hot: Hoat dong thu tuong Nguyen Tan Dung , Nguyen Tan Dung, Tiểu sử CTN Trương Tấn Sang, Bi thu Le Thanh Hai, Hoat dong Bo truong Tran Dai Quang, tieu su Tran Dai Quang, Vai trò Thủ tướng, Tiểu sử TBT Nguyễn Phú Trọng, Do Ba Ty, Nguyen Thanh Phuong, Vo Van Thuong, Nguyen Bao Hoang
Tap Viet Bao Tap Viet Bao
9.9105000000 Designed by